Các Nguyên Tắc Giao Tiếp Cơ Bản Khiến Bạn Đẹp Hơn Trong Mắt Đối Phương

Giao tiếp tưởng chừng như rất dễ nhưng thực ra lại là rất khó. Bạn cần phải nắm được các nguyên tắc giao tiếp cơ bản nhất để khiến cho đối phương cảm thấy thoải mái và yêu quý bạn hơn. Khi giao tiếp tốt, bạn sẽ được mọi người yêu mến và tôn trọng. Vậy các nguyên tắc giao tiếp cơ bản gồm những nguyên tắc nào? Tìm hiểu ngay với M.Y.C Việt Nam nhé.

Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền

Chỉ trích là vô bổ, nó chỉ gây ra thái độ chống đối và bào chữa. Chỉ trích còn có thể trở nên nguy hiểm vì nó chạm vào lòng kiêu hãnh cố chấp của con người, gây tổn thương tới ý thức về tầm quan trọng của họ và kết cuộc chỉ tạo nên sự tức giận, căm thù. Chỉ trích còn gây phản ứng chối bỏ trách nhiệm, đồng thời phát sinh tâm lý chán nản và nhụt chí trong khi lỗi lầm vẫn không được giải quyết. 

John Wanamaker, người sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ mang tên ông, từng thừa nhận rằng: “ Cách đây ba mươi năm, tôi hiểu rằng mắng nhiếc người khác là ngu ngốc. Tôi đã gặp nhiều rắc rối tưởng như không thể chịu đựng trước khi hiểu được một sự thật hiển nhiên là Thượng Đế trao cho mỗi người một đặc điểm riêng, không ai giống ai. Và, chính vì vậy, tôi không thể đòi hỏi mọi người hành xử giống nhau và mọi người đều biết tự phê phán mình khi họ làm một điều gì đó không tốt.

không chỉ trích khi giao tiếp

Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi người khác

Thay vì cưỡng bức người khác phải làm theo ý mình, cách đơn giản hơn có thể khiến người khác làm bất cứ điều gì chính là: Hãy để họ làm điều họ muốn.

Nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud nói rằng: “Mọi hành động của con người đều xuất phát từ hai động cơ: niềm kiêu hãnh của giới tính và sự khao khát được là người quan trọng”

John Dewey, một trong những nhà triết học uyên thâm nhất của nước Mỹ nói rằng: “Động cơ thúc đẩy sâu sắc nhất trong bản chất con người là sự khao khát được thể hiện mình”

Bạn không thể:

  • Một tay giật tóc, tay kia gí súng vào đầu một người nào đó và thét lớn: “Có bao nhiêu tài sản, hãy đưa hết cho ta!”

Hoặc 

  • Vênh mặt cau có và thách thức nhân viên của mình “ Nếu không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ đuổi việc anh/chị ngay lập tức. Nhìn ra ngoài kia mà xem, biết bao nhiêu người muốn được làm nhân viên của tôi đấy!”

Hay

  • Cầm một cây roi mây to và quát con trai: “Đồ ngu! Nếu mày còn ham chơi làm dơ bẩn áo quần, tao sẽ cho mày một trăm roi”

Chúng ta cùng thử hình dung chuyện gì sẽ xảy ra trong ba trường hợp trên?

thành thật khen ngợi người khác

Mẫu số chung của cả ba trường hợp là những người bị đe doạ sẽ làm theo những gì được yêu cầu. Nhưng quan trọng hơn cả là họ sẽ làm với sự chịu đựng, khó chịu, cau có và phẫn uất. Trường hợp xấu hơn nữa là họ sẽ làm ngược lại.

Sự khen ngợi, cảm kích thành thực là một trong những bí quyết thành công đầu tiên của John D. Rockefeller trong ứng xử với mọi người. Khi nhân viên của ông là Edward Bedford gây thiệt hại một triệu đô-la trong một vụ mua bán ở Nam Mỹ, thay vì chỉ trích, John D. Rockerfeller lại tán thưởng Bedford vì đã cứu được 60% số tiền Rockerfeller đã đầu tư. Rockerfeller làm như vậy vì biết rằng Bedford đã cố gắng hết sức.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý lời khen và sự tâng bốc có sự khác nhau. Một điều là thành thực và điều kia thì không. Một điều xuất phát từ tấm lòng, một điều chỉ từ cửa miệng. Một điều là vô tư, chân thành, một điều là ích kỷ, có mục đích. Một điều được mọi người cảm nhận, xúc động, một điều thì bị mọi người lên án.

Một trong những giá trị bị chúng ta lãng quên nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày chính là cảm kích, trân trọng. Chảng biết vì sao chúng ta hay quên khen ngợi con cái mình khi chúng đem về nhà tờ giấy khen hay quyển sổ liên lạc ghi thành tích học tập tốt trong tháng qua. Chúng ta quên khuyến khích con cái khi lần đầu tiên tự chúng làm được một cái bánh hay tự giác dọn dẹp gọn gàng góc học tập của mình… Không có điều gì làm con trẻ vui sướng hơn là sự quan tâm và khen ngợi của bố mẹ.

Nguyên tắc 3: Luôn biết ơn người khác

Mỗi khi thưởng thức một món ngon ở nhà hàng, bạn có nói với người đầu bếp rằng món ăn rất tuyệt? khi gặp một người bán hàng mệt mỏi mà vẫn biểu lộ sự ân cần với khách thì bạn có cảm ơn anh/chị ta vì sự phục vụ tận tâm, nhiệt tình?

Tất cả diễn viên, ca sĩ và diễn giả trên thế giới đều sẽ nản lòng nếu không nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi từ khán giả. Điều này sẽ luôn đúng với cả những người làm việc trong các cơ quan, cửa hàng, nhà máy, trong gia đình và bạn bè chúng ta. Tất cả họ đều khao khát nhận được sự công nhận, đánh giá cao và trân trọng vì những gì họ đã làm.

Hãy thắp lên ngọn lửa của sự biết ơn chân thành đối với mọi người trong cuộc sống.

Hãy viết những câu sau và dán trên chiếc gương để ngày nào cũng nhìn thấy: “ Tôi chỉ sống trên thế gian này có một lần, vì vậy nếu có thể làm bất cứ điều tốt đẹp nào hay thể hiện lòng nhân ái, tri ân của mình với bất kỳ ai, tôi sẽ thực hiện ngay, bởi vì tôi biết mình sẽ không sống đến lần thứ hai, hoặc sợ mình không có cơ hội.”

luôn biết ơn

Nguyên tắc 4: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm

Khi nói đến nguyên tắc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện cậu bé và con cá. Cậu bé thích ăn kem nên khi câu cậu cũng dùng kem để câu cá. Bạn có nghĩ cậu bé câu được cá?  Nhưng khi cậu móc con giun vào mồi câu thì cậu ấy đã câu được con cá.  Ứng xử của con người cũng vậy, hãy học cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loại cá.

Có thể nói, cách duy nhất để gây ảnh hưởng đến người khác là nói về những điều họ mong muốn và hướng dẫn họ làm thế nào để đạt được điều đó.

Henry Ford nói: “ Nếu như có một bí quyết nào đó để thành công, thì nó nằm ở khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của người khác và nhìn sự việc theo góc độ của người ấy cũng như theo góc độ của chính mình” Đây là lời khuyên kinh điển nhất từ xưa đến nay trong nghệ thuật đối nhân xử thế.

Một khách hàng của tôi rất bực mình về cậu con trai nhỏ. Thằng bé suy dinh dưỡng và biếng ăn. Cha mẹ nó đã dùng đủ mọi cách mà không đạt được kết quả. Suốt ngày họ cằn nhằn mãi với thằng bé: “ mẹ muốn con ăn cái này và cái kia” “cha muốn con lớn lên trở thành người cường tráng, khoẻ mạnh…” Thằng bé không hề quan tâm. Và sau khi tôi đặt vài câu hỏi họ đã nhận ra và tự hỏi “Thằng bé muốn gì nhỉ? làm thế nào để kết hợp điều mình muốn với điều nó muốn?” Mọi việc bắt đầu dễ dàng hơn khi anh bắt đầu nghĩ về điều đó. 

Cậu con trai có một chiếc xe ba bánh mà cậu thích đạp đi chơi trong khuôn viên chung cư cậu ở, cách đó vài căn, có một cậu bé lớn hơn thường giành xe của con anh. Những lúc như thế nó thường mếu máo và chạy về mách mẹ. Người lớn phải can thiệp vì việc này cứ tái diễn hàng ngày.

Vậy cậu bé muốn gì? Lòng tự hào bị tổn thương, những cảm xúc mạnh mẽ nhất trong nó đều thúc giục nó phải trả đũa. Người cha chỉ cần nói rằng: “Nếu con ăn những món ăn mà ba mẹ bảo thì một ngày nọ con sẽ khoẻ mạnh và cậu bé kia sẽ không thể ức hiếp con được nữa” Thế là việc ăn uống của thằng bé không còn là vấn đề khó khăn nữa.

Mỗi khi bạn có được ý tưởng đặc biệt, bạn nên gợi cho người khác ý tưởng đó và để họ biến nó thành hiện thực. Lúc đó họ sẽ xem ý tưởng đó là của họ, họ sẽ yêu thích nó và đôn đốc thực hiện bằng mọi giá. Hiểu được điều này, chúng ta có thể ứng dụng tâm lý này vào kinh doanh.

Vừa rồi là 4 nguyên tắc giao tiếp cơ bản mà M.Y.C Việt Nam muốn chia sẻ đến các bạn. Hãy lưu lại ngay để cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình mỗi ngày nhé.

NHỮNG AI LÀM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU NÀY, NGƯỜI ĐÓ CÓ CẢ THẾ GIỚI

facebook zalo
0916402010
Scroll to Top